Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ chín!

Thứ tư, 25/12/2013 17:10 GMT+7
Hàng được bung ra nhiều tại TP HCM và Hà Nội là các dự án nhà ở đón cầu, đường mới. Theo các chuyên gia, động thái này mang tính thời vụ, là chiêu bình mới rượu cũ nhằm vớt mẻ lưới cuối cùng trong năm.

Giữa tháng 12, Công ty Bất động sản Sài Gòn Đông Dương mở bán căn hộ Sunny Plaza tọa lạc ngay mặt tiền của trục đại lộ Phạm Văn Đồng (mới thông xe cuối tháng 9). Chủ đầu tư dự án cho biết, đợt 1 doanh nghiệp tung ra 104 căn, nhờ hiệu ứng của hạ tầng đã thu hút được 75 khách hàng đặt cọc, giá bán 21 triệu đồng mỗi m2.

Dự án được khách hàng quan tâm vì theo chủ đầu tư nó kết nối với tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai  ngoài. Đây là một trong những tuyến chính của hệ thống giao thông vành đai TP HCM, giúp lưu thông thuận tiện hơn.

Trung tuần tháng 12, tại quận Bình Thạnh, Công ty TNHH Vietnam Land SSG chớp lấy thông tin tích cực là UBND TP HCM phê duyệt dự án Saigon Pearl được quy hoạch thuộc lõi trung tâm thành phố để công bố giai đoạn 3 của dự án.

Trong khi đó, Đất Xanh Đông Á lại bắt lấy điểm nhấn khu vực ngã tư Thủ Đức - tuyến Metro số 1 để chào bán 30 căn hộ cuối của dự án Emerald Apartment với giá 12,6 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, được lợi từ chuyển biến của tuyến tàu điện Metro phải kể đến dự án Thảo Điền Pearl và hàng loạt dự án căn hộ cao cấp khu vực quận 2. Giữa tháng 12, Lexington Residence cũng chào bán đợt 1 và giao dịch thành công hơn 130 căn nhờ hưởng lợi từ hạ tầng khu vực này.

a-tb-1-dia-oc-dua-xa-hang-an-t-2175-2988
Cầu đường, metro, các tuyến vành đai, đại lộ mới... đang là một trong những yếu tố giúp giao dịch nhà đất nhích lên so với năm 2012. Ảnh: Vũ Lê.

Riêng dự án Him Lam nhờ lợi thế thông xe cầu Him Lam thanh khoản đã cải thiện so với 4 năm trước đó. Cuối năm, chủ đầu tư chỉ còn bán vét 40 căn dự án Him Lam Riverside quận 7 đợt cuối.

Thống kê từ Công ty kinh doanh địa ốc Him Lam, trong 3 năm (2009-2011) doanh nghiệp chỉ bán được 110 căn hộ dự án này. Trong 11 tháng đầu năm 2012, giai đoạn cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản, doanh nghiệp chỉ bán được 40 căn. Tuy nhiên, cột mốc từ ngày thông xe cầu Him Lam là 22/12/2012 đến ngày 22/12/2013, doanh nghiệp bán hơn 120 căn, tăng gấp 3 lần so với năm trước.

Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa cho biết: "Tại TP HCM, nhờ thông tin tích cực từ các cây cầu, đường mới, đại lộ, tuyến vành đai, Metro 1... các dự án uy tín ít nhiều đã cải thiện được thanh khoản".

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, hiện nay cầu đường đã không còn ma lực kích giá nhà đất lên cao hay tạo nên cảnh mua bán ồ ạt như năm 2005-2007. Thời kỳ sốt đất, hạ tầng thường phục vụ giới đầu cơ, gây thiệt hại cho người mua nhà. "Nay hạ tầng chỉ là cơ sở để khách hàng cân nhắc ra quyết định an cư", ông Nghĩa nhận xét.

a-tb-2-dia-oc-dua-xa-hang-an-t-2562-2223
Theo các chuyên gia, các dự án hạ tầng đã góp phần gỡ khó cho thị trường địa ốc trong năm 2013 đầy khó khăn. Ảnh: Vũ Lê.

Tương tự, tại Hà Nội, số dự án bung hàng ăn theo hạ tầng cũng khá nhiều. Đường Minh Khai thuộc quận Hai Bà Trưng mở rộng khiến khu vực này trở thành một trong những nơi có nhiều dự án mọc lên như Hòa Bình Green City, Thăng Long Garden.

Đầu tháng 12, Công ty TNHH Hòa Bình cũng tiếp tục chào bán 300 căn hộ còn lại của dự án Hòa Bình Green City trên đường Minh Khai. Các căn hộ chưa hoàn thiện có giá khởi điểm 20,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Đối với gói “căn hộ hoàn thiện”, giá bán khởi điểm 26 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Hiện dự án sắp hoàn thành xây thô, dự kiến đến 6/2014, dự án sẽ bàn giao căn hộ.

Chưng cư 170 Đê La Thành cũng được các nhà đầu tư thứ cấp chào bán với giá 27-30 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí. Một môi giới cho hay, tuyến đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa được thông qua khiến giá trị căn hộ cũng được nâng lên. Dự án đã được bán từ lâu, nay chỉ còn môi giới và các nhà đầu tư thứ cấp rao bán. Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường khó khăn nên giá chênh từ chủ đầu tư thứ cấp không nhiều, mức chênh chủ yếu do thỏa thuận.

Tại khu vực quận Long Biên, một số dự án cũng hưởng lợi nhờ tuyến đường huyết mạch Thạch Bàn mới thông hồi tháng 10. Tiêu biểu như dự án Chung cư Ct2 Thạch Bàn cũng được nhiều nhà đầu tư thứ cấp chào bán với giá khoảng 500-700 triệu đồng mỗi căn. Trước đây, giá gốc chủ đầu tư bán ra khoảng 10 triệu đồng mỗi m2 thì nay được đẩy lên khoảng 11-13 triệu đồng tùy vị trí.

Theo ông Nguyễn Thế Cường, Văn phòng nhà đất Long Biên, đối với nhiều dự án ở khu vực trung tâm thành phố, cơ sở hạ tầng đã ổn định thì việc mở thêm một vài tuyến đường không ảnh hưởng đến giá cả dự án. Tuy nhiên, ở những khu đô thị mới, hạ tầng được nâng cấp sẽ tác động đôi chút đến tâm lý người mua.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho hay, hiện nay những dự án chạy theo hạ tầng không nhiều bởi bối cảnh thị trường bất động sản quá khó khăn. Theo vị lãnh đạo này, việc mở bán dự án ăn theo đường mới thông chỉ là cái cớ, bởi thực tế, những người “ăn dày” chính là lúc thông tin còn đang trên bàn giấy. "Các dự án mở bán thời điểm cuối năm nhờ vào tuyến đường mới thông chỉ mang tính chất bình mới rượu cũ”, ông nói.

Vũ Lê - Hoàng Lan

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ tám

Thứ năm, 28/2/2013 16:52 GMT+7
 
 Thị trường chậm, công trình không chịu áp lực tiến độ khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng và môi giới địa ốc vẫn thảnh thơi chơi Tết. Nhiều đơn vị cho hay, phải qua tháng Giêng, địa ốc mới vào guồng.

Ông Nguyễn Huy, chủ nhà thầu tại một số công trình ở đường Nguyễn Trãi, Đào Tấn (Hà Nội) cho hay, mặc dù nhiều doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đã đi làm trở lại, tại công trường của anh, công nhân vẫn chưa đến đủ. "Trước Rằm tháng Giêng, cả công trường chỉ có khoảng vài người đến gọi là 'điểm danh'. Còn đến nay, công trường mới chỉ lấp đầy được khoảng khoảng 70% số công nhân", anh chia sẻ.

Đơn cử, tại công trường xây dựng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, số công nhân cách đây 4-5 hôm chỉ có khoảng 20-30%. Mỗi tổ chỉ có khoảng 2-6 người đến công trường. "Từ hôm mùng 9 Tết đến trước Rằm, số công nhân lên công trường chỉ lác đác, hầu hết các đội chỉ có tổ trưởng đến", ông Huy chia sẻ. Theo ông Huy, qua Rằm tháng Giêng, số công nhân đã đến đông hơn nhưng để "đủ quân số" thì phải ít nhất sang đầu hoặc giữa tháng Hai âm lịch.

Ảnh: Hoàng Lan
Địa ốc chơi đến hết tháng Giêng. Ảnh: Hoàng Lan.

Ông Nguyễn Bằng, chủ một doanh nghiệp xây lắp tư nhân cho hay, phải sang tuần tới, công nhân của ông mới đến đủ. Một số người ở gần khu vực Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Thanh Hóa thì công nhân đã đến đủ. Tuy nhiên, người làm từ các tỉnh xa như Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai... thì vẫn vắng mặt.

"Công trình dự kiến đến cuối năm nay mới hoàn thiện nên chúng tôi không chịu áp lực tiến độ. Công nhân đi làm cả năm trời, lương khoảng 220.000 đồng mỗi ngày, thợ giỏi khoảng 250.000-300.000 đồng. Họ chỉ có dịp Tết về thăm nhà nghỉ ngơi nên cứ để họ thảnh thơi vì công trình không gấp", anh chia sẻ.

Hầu hết doanh nghiệp xây dựng thuộc các tổng công ty lớn của Nhà nước đều đi làm theo đúng lịch bắt đầu từ mùng 9 Tết (tức 18/2). Tuy nhiên, không ít đơn vị dành hết tháng Giêng để đi chùa, du lịch. Anh Hường, nhân viên xây dựng của một công trường chia sẻ, trong tuần đầu đi làm, hầu như chỉ có những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong công ty mới có mặt. Ngoài trừ nhân viên văn phòng thuộc khối hành chính đến cơ quan để kiểm tra sổ sách giấy tờ công văn, còn đội ngũ công nhân công trường vẫn chưa đến đủ. Công nhân không đến thì công trường cũng không làm việc được nên mọi hoạt động chỉ diễn ra "túc tắc".

Riêng các công trình trọng điểm, thuộc dạng gấp rút tiến độ thì chủ đầu tư buộc phải thực hiện theo đúng cam kết và nhà thầu phải thúc các đội. Trong trường hợp, chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ phạt tới 0,01%-0,1% mỗi ngày tùy thuộc vào hợp đồng cam kết. "Những công trình này, ra Tết vẫn tất bật, nhưng không phải là số đông trong xu hướng hiện nay", một nhà thầu cho biết.

Không chỉ có công ty xây dựng mà nhiều đơn vị môi giới cũng nghỉ Tết dài. Anh Nguyễn Thế Cường, thuộc văn phòng môi giới bất động sản Long Biên chia sẻ, đầu năm nhiều môi giới địa ốc vẫn được nghỉ ngơi khách mua còn hạn chế. Ra Tết, có một số dự án được khách hỏi mua, tuy nhiên, giao dịch chưa có nhiều. "Trong tháng Giêng âm lịch, nhiều người vẫn đi lễ chùa, du lịch nên họ chưa đề cập nhiều đến vấn đề tình hình này, phải sang tháng mới vào guồng", anh Cường nói.

Chị Trần Nguyệt Hằng, một môi giới địa ốc ở khu vực Hà Đông chia sẻ, trong khi thị trường còn chưa khởi sắc, chị đã tranh thủ bán hàng quần áo và mở quán cafe. Chỉ khi có khách hỏi mua nhà, chị mới túc tắc làm. Mỗi tháng, thu nhập từ mở quán cafe và bán quần áo cũng lên tới trên 20 triệu đồng. "Thu nhập dĩ nhiên không bằng địa ốc thời sôi động, nhưng trong bối cảnh thị trường như hiện nay thì đó là giải pháp tối ưu", chị chia sẻ.

Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá, năm nay, do thị trường địa ốc trầm lắng, nhiều dự án chưa bán được hàng nên các doanh nghiệp xây dựng bất động sản có phần "thảnh thơi" hơn. Cả năm vất vả trầy trật xây chạy tiến độ, nhưng hàng bán ra vẫn chậm nên nhiều doanh nghiệp oải, không muốn cố, nhất là dịp sau Tết.

"Ngoại trừ những dự án trọng điểm mang tính chất quốc gia phải chịu áp lực tiến độ, nhìn chung các doanh nghiệp bán nhà thương mại vẫn đang rất rảnh rang. Chỉ khi nào địa ốc khởi sắc, doanh nghiệp mới thực sự vào cuộc 'chiến'", ông Võ chia sẻ.
Hoàng Lan

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ bảy

Thứ năm, 10/1/2013 05:06 GMT+7
Bất chấp thị trường đóng băng, nhà đầu tư điêu đứng, nhiều căn villa cổ, mặt đường trung tâm thành phố, biệt thự ven Hồ Tây vẫn hét giá trên dưới 100 tỷ đồng thậm chí hơn 200 tỷ đồng.
 
Anh Mạnh Hùng, chủ nhà đang rao bán một khu biệt thự xây thô 4 tầng ở khu biệt thự gần Phủ Tây Hồ, Quảng An, Tây Hồ với giá lên tới 450 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, căn biệt thự rộng 255 m2 với mặt tiền 12 m và chiều sâu hơn 21 m có giá tới 114 tỷ đồng. Anh cho hay, khu biệt thự gần sát nhà một ông "bầu" lớn, toàn các sếp ở. "Biệt thự nằm ngay ven hồ, có hai mặt thoáng, đường rộng 9m và đường nội bộ 8m, trước mặt là Hồ Tây cảnh đẹp thoáng mát nên giá không thể rẻ", anh nói.

Cũng theo anh, do địa ốc đang trong bối cảnh khủng hoảng, nên chỉ có thể giảm đôi chút, xuống còn khoảng 108 tỷ đồng. Trong trường hợp muốn mua giá rẻ hơn, anh cho biết có thể mua một căn biệt thự vuông góc mặt hồ rộng 245 m2 với giá 410 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, cả căn sẽ có giá không dưới 100 tỷ đồng.

Ảnh: Hoàng Hà
Biệt thự ven hồ Tây được chào với giá trăm tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Chủ một biệt thự ở đường Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội cũng rao giá tới... 140 tỷ đồng. Người bán cho biết, nhà rộng khoảng 700 m2, diện tích sử dụng hơn 100 m2, mặt tiền 14 m, nở hậu và sổ đỏ chính chủ. Villa 2 tầng với đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, nhà ăn, có vườn trái cây bên hông nhà, sân trước sân sau đầy đủ.

"Một công ty bất động sản đã định giá khu villa 200 triệu đồng mỗi m2 nên mức giá trên là hợp lý. Tất nhiên có thể thương lượng trong bối cảnh địa ốc trầm như hiện nay nhưng không thể hạ giá quá nhiều", vị chủ nhà nói.

Một môi giới cho hay, ông đang rao bán hộ một biệt thự Pháp cổ trên đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm với giá hơn 250 tỷ đồng. Biệt thự 2,5 tầng gồm 24 hộ dân sinh sống và khu đất nở hậu hướng Đông Nam nên "rất phát". Mặc dù nằm ngay ở khu phố lớn với vị trí đắc địa, nhưng chào suốt từ tháng 6/2012 đến nay vẫn chưa có khách hỏi mua vì giá quá cao.

"24 hộ sẽ gồm 24 sổ đỏ, nhưng ai mua chúng tôi sẽ làm thủ tục gộp chung thành 1 sổ. Chúng tôi sẵn sàng bao sang tên và lo thủ tục giấy phép xây dựng khi khách hàng muốn xây lại. Khu đất được xây tối đa 7 tầng", vị môi giới tiết lộ.

Trong bối cảnh địa ốc gần như đóng băng, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ tiền mua những căn biệt thự giá khủng. Cuối năm 2012, một ca sĩ đã rót 100 tỷ đồng mua và hoàn thiện ngôi nhà siêu sang cũng từng gây xôn xao dư luận. Nội thất xa hoa trong căn nhà 6 tầng với diện tích 500m2 cùng cách bài trí sang trọng không khác gì biệt thự xa hoa của các ngôi sao Hollywood khiến không ít người phải ngưỡng mộ.

Ông Nguyễn Thế Cường, đại diện văn phòng nhà đất Long Biên cho hay, trong bối cảnh địa ốc khủng hoảng như hiện nay, chỉ có những người có tiềm lực tài chính rất mạnh, tầm cỡ "đại gia" mới đủ sức để mua những biệt thự lên tới trăm tỷ đồng. Ông Cường cho hay, thực tế, những khu nhà cổ có giá tới vài ba trăm triệu mỗi m2, diện tích lại rộng nên giá trở nên "cực kỳ đắt đỏ". Trên thị trường bất động sản, biệt thự phố cổ, khu ven Hồ Tây thuộc dạng đắc địa, nên giá không rẻ. Bản thân ông cũng từng làm dịch vụ cho khu phố cổ hàng Gỗ lên tới 250 triệu đồng mỗi m2. 

Ông Cường cho hay, biệt thự ven hồ Tây, nhà phố cổ hoặc khu nhà tại các trung tâm thành phố lớn thường không phải để "lướt sóng" mà chủ yếu sinh lời do kinh doanh mang lại nên giá bán không hạ nhiệt mặc cho khủng hoảng địa ốc làm nhiều nhà đầu tư điêu đứng. Đơn cử, nhà phố cổ hoặc villa tại các mặt đường lớn có thể, kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê tầm 5.000 - 7.000 USD mỗi tháng.

Thông thường các khu nhà biệt thự cổ rao bán theo giá vàng, sau đó mới quy đổi ra tiền đồng để "giữ giá". Ông phân tích, trước đây, khi mua nhà 10 "cây" mỗi m2 thì nay, người bán cũng phải chào 10 "cây". Lượng vàng vẫn giữ nguyên, nhưng khi quy đổi ra tiền đồng thì chênh lệch lại rất lớn, bởi vậy mới có chuyện nhà phố cổ giá 500 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi m2. 

"Với mức giá lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhiều người sẽ lựa chọn căn biệt thự sang trọng tại các khu đô thị mới, thay vì các biệt thự cũ nên giao dịch thành công tại các khu biệt thự hiện nay không nhiều", ông Cường nói.

Trên thị trường địa ốc, nhà rao bán hàng trăm tỷ đồng chủ yếu thuộc về các khu biệt thự, còn chung cư giá thường rẻ hơn. Hồi tháng 3 năm 2012, căn hộ được mệnh danh là đế vương của Hà Nội được chào bán với giá 25 tỷ đồng cũng đã từng gây sốc và các chuyên gia dự báo thị trường sẽ không dễ hấp thụ. 

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho hay, hiện nay giá đất đang "ảo", sau 1/7 tới, khi Luật Thủ đô có hiệu lực giá đất sẽ giảm. Ông Nghiêm phân tích, theo Luật Thủ đô, Hà Nội dự tính xây 5 thành phố vệ tinh, nhà cao tầng kiên quyết cấm xây quá 9 tầng trong các quận nội thành cũ. "Cùng với chính sách siết nhập cư, và đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp sỡ hữu đất đai vượt định mức nên chắc chắn năm 2013, ngoại trừ phân khúc nhà ở xã hội, thu nhập thấp, giá bất động sản sẽ giảm mạnh", ông Nghiêm nói.

Sở dĩ giá đất ở các khu phố đắc địa vẫn không giảm, theo ông Nghiêm vì một số đối tượng "nhạy bén" đã tranh thủ tìm cách đẩy giá nhà lên cao trước khi Luật thủ đô có hiệu lực. Khi quy hoạch phân khu chi tiết được chính thức phê duyệt, dân số nội đô giảm đi một phần ba, khu phố cổ 860.000 giảm xuống còn 600.000 người nên giá đất ở các khu đất đắc địa như phố cổ và các quận nội thành sẽ giảm.
Hoàng Lan


Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ sáu

Nhà đất cuối năm càng giảm giá càng ế

Thứ năm, 13/12/2012 00:01 GMT+7
Hàng loạt chung cư cao cấp biệt thự ở Hà Nội giảm giá tới 30% so với đầu năm song vẫn chưa hấp dẫn người mua. Chuyên gia đánh giá, khi lãi suất giảm, bất động sản lấy lại lòng tin của người dân thì địa ốc mới có thể hồi sinh.

Anh Nguyễn Mạnh, phụ trách kinh doanh một sàn giao dịch bất động sản ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cho hay, tháng cuối năm, lượng giao trên hầu hết các phân khúc như chung cư, đất nền thậm chí thổ cư vẫn tiếp tục ế ẩm. Cuối năm, hàng loạt người giảm giá, chiết khấu song lực kích cầu vẫn chưa đủ mạnh. Biệt thự Dương Nội giai đoạn một thời kỳ đỉnh điểm lên tới 68 triệu đồng mỗi m2 nhưng nay cũng chỉ chào 31-32 triệu đồng. Ngay cả nhà chung cư đã xây xong phần thô, giá cũng giảm. Đơn cử như chung cư ở Xa La, Văn Khê còn khoảng 17-25 triệu đồng mỗi m2. Hàng loạt dự án một thời đình đám như Kim Chung – Di Trạch, Tân Tây Đô, Geleximco cũng giảm giá mạnh.

Trong tháng cuối năm, lượng ký gửi ở sàn của anh tăng tới 25% nhưng giao dịch vẫn gần như bất động. Anh Mạnh cho biết, chỉ những khu rộng khoảng trên dưới 30 m2 khoảng 1,2-1,3 tỷ đồng vẫn túc tắc có người hỏi mua còn hầu hết đều ế ẩm. "Người bán ồ ạt bán và sẵn sàng hạ giá vì chịu áp lực ngân hàng vào cuối năm. Nhưng càng hạ giá, khách mua càng nghe ngóng và tiếp tục chờ cơ hội giam giá thêm", anh Mạnh nói.

nh6-1355384530_500x0.jpg
Càng giảm giá, người mua càng chờ đợi giá giảm thêm. Ảnh: Hoàng Lan

Nhà riêng lẻ, phân khúc được coi là ít biến động nhất trong thị trường bất động sản cũng giảm giá mạnh. Đất thổ cư Văn Quán đường rộng 10 m2 rộng 35 m2 trước chào đến 2,8 tỷ đồng nhưng những tháng cuối cùng của năm chỉ còn rao 2,5 tỷ đồng. Đất khu Vạn Phúc Hà Đông cũng giảm hàng trăm triệu đồng. Anh Mạnh cho hay, một người bán ký gửi giá bán nhà ở đường Vạn Phúc tới 3,8 tỷ vào hồi tháng 9 nhưng đến nay do áp lực trả nợ, khách hàng chỉ bán 2,8 tỷ đồng nhưng cũng chẳng có khách hỏi.

Ông Nguyễn Thế Cường, phụ trách văn phòng môi giới Long Biên cho biết, hầu hết các chung cư trên địa bàn quận đều giảm giá Đơn cử, chung cư Việt Hưng giá còn 18-20 triệu đồng mỗi m2, trong khi trước đó lên tới 24-26 triệu đồng, Sài Đồng cũng dao động khoảng 18-20 triệu đồng. Nhìn chung, giá cả khu vực một thời sôi động nhờ cầu Vĩnh Tuy nay giảm giá tới 20-30%, song người mua vẫn chỉ dừng ở mức nghe ngóng thông tin.

Theo ông Cường, hiện nay mặc dù giá nhà đất giảm song không không phải ai cũng sẵn sàng mua, trừ những người có nhu cầu thực sự. Trong khi đó, những người mua có nhu cầu thật rất thận trọng "Giá rẻ thì rẻ nhưng bao giờ đất đai mới hồi sinh để đầu tư? Còn người có nhu cầu thực cũng mang tâm lý chờ tiếp tục giảm giá nên cũng chưa quyết định mua", ông nói.

Không chỉ có các văn phòng môi giới ế ẩm, mà cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ mặc dù "đại hạ giá" cũng không tìm được khách mua. Anh Đào Quang, một nhà đầu tư cho hay, anh đang rao bán 3 khu đất nền tại một dự án ở khu vực phía Tây đường rộng 17 m giá 20-25 triệu đồng mỗi mỗi m2 suốt từ tháng 5 đến nay, song vẫn chưa bán được. "Nhiều trường hợp ép giá xuống còn tận 18 triệu đồng, thấp ngang bằng giá gốc trong khi tiến độ tôi đã đóng 90% nên không thể bán", anh nói.

Tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ngày 10/12, ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam đánh giá, lĩnh vực bất động sản là khá mới mẻ và doanh nghiệp chỉ hạn chế ở việc xây chung cư, biệt thự cao cấp mà tầng lớp trung lưu không đủ tiền mua. Các nhà đầu tư với số vốn vay từ ngân hàng cùng với nhu cầu đầu cơ và mọi người đều tin giá bất động sản chỉ lên chứ không xuống đã dẫn đến việc xây dựng quá nhiều.

"Mặc dù giá bất động sản đã giảm 30-35% so với mức đỉnh điểm tại một số khu đô thị, thị trường bất động sản vẫn dư thừa nguồn cung mà phải mất nhiều năm mới cân bằng lại được", ông Sanjay Kalra đánh giá.
Mới đây, để giải cứu cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất một loạt các giải pháp cứu thị trường bất động sản. Trong đó, điển hình là giảm thuế VAT cho người mua nhà.

Ông Đặng Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Navigat đánh giá, sở dĩ cuối năm, mặc dù giảm giá, song người mua vẫn thận trọng vì số đông đang mất lòng tin vào thị trường. Đánh giá cao giải pháp giảm thuế VAT cho người mua nhà, song theo ông Quang, vấn đề cốt lõi là phải có giải pháp tài chính thông qua hỗ trợ lãi suất cho người mua. Theo ông Quang, một số ngân hàng đưa ra lãi suất ưu đãi 12%-15% trong 3-6 tháng đầu tiên, sau đó sẽ thỏa thuận lại với khách hàng dựa trên lãi suất thị trường chưa đủ sức kích cầu.

Đơn cử với mức lãi suất 15% mỗi năm, giả sử được vay trong 10 năm, thì muốn vay 1,5 tỷ, người mua sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới khoảng 2,7 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, người mua sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới hơn 20 triệu đồng, bởi vậy, không phải ai cũng có đủ điều kiện mua nhà. 

"Trong khi một số nước như Mỹ, lãi suất cho vay mua nhà chỉ khoảng 3-4% thì ở Việt Nam lãi suất vẫn còn quá cao", ông nói. Theo ông Quang, chỉ khi nào lãi suất giảm xuống còn 8%, thị trường bất động sản lấy lại lòng tin của người dân thì địa ốc mới có thể hồi sinh.
Hoàng Lan

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ năm

Địa ốc Hà Nội tiếp tục rớt giá

Thứ hai, 30/5/2011 19:18 GMT+7

Giá đất khu vực vùng ven giảm mạnh 2-15 triệu đồng mỗi m2, giao dịch gần như đóng băng, khiến giới đầu tư lo lắng nhưng các chuyên gia lại lạc quan coi đây là tín hiệu vui giúp thị trường tiệm cận giá trị thực.
Một số đất nền dự án hiện đua nhau giảm giá nhưng thanh khoản chậm. Giá giao dịch trao tay trên thị trường tại dự án Kim Chung- Di Trạch giảm trên dưới 10 triệu đồng mỗi m2. Geleximco cũng giảm trung bình khoảng 6-12 triệu đồng tùy vị trí. Biệt thự dự án Tân Tây Đô vào thời điểm cuối tháng 3 được chào với giá trên dưới 55 triệu đồng mỗi m2 thì nay chỉ còn chào với giá 30-35 triệu đồng. Dự án An Hưng cũng giảm trung bình khoảng 4 triệu đồng mỗi m2. Liền kề dự án Park City trước kia chênh tiền tỷ thì nay chênh khoảng trên dưới 500 triệu đồng.

Đất thổ cư vốn được coi là bình ổn trước mọi cơn biến động nay cũng đã giảm nhẹ. Khu vực Thạch Bàn, cách đây hai tháng được chào với giá 60-65 triệu mỗi m2 thì nay hạ xuống còn 53-58 triệu đồng. Phố Tân Thụy thuộc phường Phúc Đồng, cách chân cầu Vĩnh Tuy 1,5 km giá cũng giảm giá trên dưới 2 triệu đồng. Tương tự, khu vực Gia Lâm cũng giảm tầm 1-2 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí.

Ảnh: Hoàng Lan
Địa ốc Hà Nội chỉ đang đóng băng tạm thời. Ảnh: Hoàng Lan.

Đại diện một văn phòng nhà đất tại khu vực Long Biên cũng cho hay, trong suốt hơn 2 tháng nay, văn phòng anh chưa bán được một sản phẩm bất động sản nào. Khách hàng đến chủ yếu chỉ tìm hiểu, nghe ngóng thị trường. "Đầu năm vẫn còn giao dịch, dù là rất chậm. Nhưng thời gian gần đây, thị trường gần như đóng băng", anh này cho hay.

Chị Nguyễn Ngọc Chi, một môi giới trên đường Phạm Văn Đồng chia sẻ, rất nhiều dự án một thời đình đám nhưng đến nay đều giảm giá đến chóng mặt. "Điều đáng nói là dù giảm giá mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn hờ hững. Ngân hàng siết vốn nên ít người dám liều. Chỉ những người có nhu cầu thực mới đến tham khảo nghe ngóng", chị Chi cho hay.

Đất giảm giá, nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Anh Nguyễn Văn Tiền, một nhà đầu tư lẻ cho hay, anh mua 2 lô đất nền dự án Kim Chung - Di Trạch với giá chênh hơn 400 triệu đồng. Anh phải vay ngân hàng 800 triệu đồng với lãi hằng tháng phải trả lên tới 16 triệu đồng. Thắt lưng buộc bụng, mấy tháng nay anh không dám ăn tiêu vì tiền lãi hằng tháng cũng đã ngất ngưởng bằng lương. "Thị trường hiện nay đang quá trầm lắng, trong khi lãi suất vẫn phải trả đều. Từ nay đến sang tháng, nếu không tìm được người mua, tôi sẽ phải bán tháo", anh Tiền lo lắng.

Các chuyên gia địa ốc cho rằng, bong bóng bất động sản chưa thể vỡ, địa ốc Hà Nội chỉ đang trong tình trạng đóng băng tạm thời. Hiện tượng giảm giá là một giá là một tín hiệu vui cho thấy thị trường đang tiệm cận giá trị thực.

Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc công ty cổ phần bất động sản B.D.S cho hay, thị trường bất động sản Hà Nội bấy lâu nay sốt ảo, các nhà đầu tư đẩy giá chênh hằng trăm triệu đồng so với giá gốc. Nay thị trường giảm giá nhưng thực chất chỉ là bớt khoản chênh mua bán trao tay. Theo ông Trường, địa ốc Hà Nội vẫn còn không minh bạch, ngoại trừ phân khúc chung cư cao cấp đang đang rập rịch trở về giá trị thực, chiết khấu từ giá gốc nên người bán vẫn tha hồ hét giá. Đối với phân khúc đất nền, nhà đầu tư mới chỉ giảm lợi nhuận kỳ vọng và thực chất họ vẫn có lãi.

Theo ông Trường, thị trường chỉ tạm thời đóng băng, chuyện một số nhà đầu cơ lỗ nặng, thậm chí đi đến phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra khi nguồn vốn bị thu hẹp. "Kinh tế vĩ mô đối mặt với lạm phát, ngân hàng siết vốn nên các nhà đầu tư buộc phải rút dần khỏi thị trường. Bấy lâu nay, thị trường sốt nóng chủ yếu do nhà đầu tư lướt sóng khuấy động, do đó khi nhà đầu tư đói vốn thì thị trường trầm lắng", ông Trường nhận định.
Ngày 20/5, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải xây dựng kế hoạch và duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm nay. Theo đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng bắt buộc phải giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán so với năm 2010.

Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nguồn vốn cho bất động sản sẽ tiếp tục khan hiếm nhưng trong tình hình hiện nay, bong bóng bất động sản sẽ không vỡ. Bởi thực tế, dù giảm giá song địa ốc vẫn ở mức cao chót vót so với giá trị thực.

Ông Võ nhấn mạnh bất động sản giảm giá là một tín hiệu vui cho thấy thị trường đang tiệm cận giá trị thực. Giảm giá là một hiện tượng tất yếu của việc kiềm chế lạm phát và đây là thời điểm thuận lợi cho những nhà đầu tư có tài chính vững cũng như người có nhu cầu ở thực. Đối với những người mua đất có tiền nhàn rỗi như một khoản đầu tư thì không chịu áp lực giảm giá, vì không chịu áp lực lãi suất ngân hàng. Ngược lại, nhưng nhà đầu cơ chuyên ôm 4-5 mảnh đất lướt sóng chịu lãi và áp lực đáo hạn ngân hàng sẽ phải bán tháo.
"Các nhà đầu cơ lướt sóng lo lắng vì lợi nhuận héo mòn song thực tế, đây là một điểm sáng cho thị trường để loại bỏ tư tưởng "ăn xổi ở thì" trong kinh doanh bất động sản. Thời điểm này thích hợp cho những người có nhu cầu thực đi mua nhà để ở", ông Võ nhấn mạnh.
Hoàng Lan

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ tư

Thứ tư, 15/9/2010 14:42 GMT+7
 
Giao dịch bắt đầu tăng nhẹ, tuy nhiên, ngoại trừ chung cư mini, giá đất Hà Nội nhìn chung vẫn đi theo chiều ngang.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phụ trách sàn giao dịch bất động sản Hải Vân cho hay, số khách hỏi mua nhà từ đầu tháng đến nay tăng 20% so với tháng 7 âm lịch. "Trong một tuần, chúng tôi đã giao dịch được hai căn hộ. Trong khi thị trường còn đang chững lại, số lượng giao dịch này được coi là khả quan", bà Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lanh, Giám đốc Công ty Bất động sản Thăng Long, chưa thể nói thị trường sôi động song lượng giao dịch đã bắt đầu khả quan hơn. Khách vẫn tập trung chủ yếu vào khu vực phía Tây dọc đường Lê Văn Lương ở các khu Nam Trung Yên, Cầu Giấy... Trong thời điểm này, khách mua chủ yếu là những người có nhu cầu thực, vợ chồng trẻ mới cưới.

"Những căn hộ có giá 1,5-2 tỷ đồng, diện tích khoảng 45-60m2 được nhiều người quan tâm. Do tâm lý, nhiều khách hàng chỉ đặt cọc tiền trong tháng 7, chờ đến tháng 8 mới tiến hành giao dịch", ông Lanh tiết lộ.

Ảnh: Hoàng Hà
Nguồn cung trên thị trường sẽ dồi dào hơn, đặc biệt là phân khúc nhà giá thấp. Ảnh: Hoàng Hà.

Chị Thanh Hằng (Hà Nội) vừa tìm mua được căn góc ưng ý tại khu giãn dân Nam Trung Yên sau một tháng trời rong ruổi. Căn hộ vừa tầm tiền, giá 28 triệu đồng mỗi m2, gồm một phòng khách, 2 phòng ngủ, phụ bếp và khu vệ sinh. Tuy nhiên, trong tháng 7 âm, chị chỉ đặt cọc 800 triệu đồng, chờ qua tháng "cô hồn" mới tiến hành bàn giao nốt số tiền còn lại.

"Vợ chồng tôi phải ở thuê, tích góp gần 3 năm trời cùng với số tiền bố mẹ ở quê trợ giúp mới mua được căn hộ này. Tháng 7 ngâu, nên chúng tôi tránh mua bán vì sợ xui", chị Hằng chia sẻ.

Lượng khách hỏi mua tăng thêm song giá đất nhìn chung vẫn đi theo chiều ngang. Cụ thể, chung cư Văn Khê vẫn đứng giá ở mức 19-21,5 triệu đồng, Xa La 18-20 triệu mỗi m2. Một số khu vực gần cầu Vĩnh Tuy thuộc quận Long Biên như Tư Đình, Thạch Bàn, Phúc Lợi, Phúc Đồng cũng được khách hàng quan tâm bởi đoạn đường dẫn lên cầu đã hoàn thiện. Mặt bằng giá đất khu vực này cao hơn hẳn các khu khác, tiêu biểu như đất nền khu Tư Đình, đường 40 m chạy qua, giáp sân bay Gia Lâm, có khu sinh thái sân golf giá từ 32-40 triệu đồng mỗi m2. Khu Thạch Bàn giá mềm hơn, khoảng 23-35 triệu đồng mỗi m2 bởi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.

Riêng chung cư mini sau khi được pháp luật thừa nhận đã tăng giá từ 20% đến 30%. Anh Thành Trung, một nhà đầu tư cho hay, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện làn sóng gom loại chung cư đặc biệt này. Hồi đầu tháng, anh cùng với 3 người bạn đã lùng mua được 4 căn tại khu Dịch Vọng (Cầu Giấy) với giá 1 tỷ mỗi căn. Sau khi sửa sang lại, anh dự kiến sẽ bán ra ngoài thị trường khoảng 1,3-1,5 tỷ đồng. Anh Trung tiết lộ, sau khi "lướt" nhanh, kiếm được khoản lợi nhuận tương đối, nhóm của anh sẽ trực tiếp đầu tư xây chung cư mini ở khu vực Thanh Trì, Cầu Diễn. 

Thị trường bất động sản được các chuyên gia phỏng đoán sẽ khả quan hơn khi các tuyến đường trọng điểm dần hoàn thiện như Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn... Mới đây, Hà Nội lại vừa ký quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường từ Khu đô thị Mỗ Lao nối với đường Lê Văn Lương kéo dài tỷ lệ 1/500.
Nguồn cung trên thị trường sẽ dồi dào hơn, đặc biệt là phân khúc nhà giá thấp. Mới đây, Công ty cổ phần Vinaconex Xuân Mai tung ra dự án CT1 ở Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) gây xôn xao dư luận với giá "bèo" 8,8 triệu đồng mỗi m2. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai một số dự án lớn. Dự kiến, khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại Mê Linh, do HUD làm chủ đầu tư sẽ khởi công vào tháng 10 tới. Tháng 11, khoảng 10.000 căn hộ giá rẻ cũng được khởi công tại khu đô thị Bắc An Khánh.

Ông Nguyễn Thế Cường, đại diện Văn phòng tư vấn nhà đất Long Biên cho hay, kịch bản thị trường địa ốc từ nay đến cuối năm rất khó đoán vì có nhiều quy định mới ban hành. "Mặc dù khó có cơn sốt đột biến nhưng giá đất sẽ còn tăng. Vì thế, đây vẫn là thời điểm thuận lợi để mua nhà", ông Cường nói.
Hoàng Lan

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ ba!

Thứ sáu, 14/5/2010 09:00 GMT+7
 Hơn một tháng trở lại đây, đất tăng giá chóng mặt ở nhiều khu vực, tâm điểm là dọc đường Láng Hòa Lạc, huyện Gia Lâm và quận Tây Hồ với mức tăng nóng 35-40%. 
Cùng với giá cả tăng chóng mặt, lượng giao dịch cũng lên 25-30% so với tháng trước. Tại dự án Geleximco khu C, D trên đường Lê Trọng Tấn, trong vòng hơn một tháng đã tăng từ 43 triệu lên 65 triệu mỗi m2 ở vị trí mặt đường to. Liền kề mặt đường nhỏ cũng tăng 4-6 triệu đồng. Đất nền Kim Chung Di Trạch sau một thời gian đứng giá, lại tăng từ 26 lên khoảng 30 triệu đồng mỗi m2. Giá đất nền biệt thự Dương Nội cũng lên tới 42 triệu, tăng 2-3 triệu mỗi m2 tùy vị trí.

Khu vực Gia Lâm ở phía Đông Hà Nội cũng tăng giá vù vù, tiêu biểu như khu Đặng Xá từ 18 triệu lên tới 25 triệu mỗi m2. Không chịu thua kém, khu đô thị Ciputra ở mạn Tây Hồ từ 80 triệu tăng giá lên 110 triệu đồng, biệt thự Vườn Đào từ 80-90 triệu đồng vọt lên 110-140 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí.

Ảnh
Thị trường địa ốc bị tác động mạnh nhất kể từ khi có triển lãm quy hoạch “Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”. Ảnh: Hoàng Hà.

Đất thổ cư, vốn được coi là khá bình ổn trước sự lên xuống thất thường của địa ốc giờ cũng tăng chóng mặt. Sức tăng tốc độ cao nhất phải kể đến khu vực quận Tây Hồ. Đầu năm nay, một mảnh đất thổ cư có diện tích 108 m2 trên mặt đường An Dương Vương, có giá 40 triệu đồng mỗi m2 thì hiện nay đã được chào tới 80 triệu, khu vực gần đường Thanh Niên cũng được rao bán giá 73 triệu mỗi m2, đất Tứ Liên dao động quanh mức 85-105 triệu đồng. Còn đất mặt phố Lạc Long Quân, gần chợ Bưởi đạt kỷ lục 215 triệu đồng.

Đất thổ cư thuộc các xã Kim Sơn, Phú Thị, Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm cũng lên từ 13-16 triệu đồng. Khu Bát Tràng, Đông Dư gần đô thị sinh thái Ecopark cũng lên tới 20 triệu. Trong khi trước đó, những khu đất được coi là "vùng sỏi đá" này chỉ này được chào bán với giá dưới 10 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thế Cường, đại diện Văn phòng tư vấn nhà đất Long Biên, chính các dự án mới như khu đô thị sinh thái Ecopark cũng như thông tin về công viên Gia Lâm sắp được triển khai làm thay đổi diện mạo vùng đất này. "Thêm vào đó, các khu vực này lại có vị trí giao thông thuận lợi, cách cầu Thanh Trì khoảng 800 m, giáp đường lớn 5B nên giá lại càng tăng", ông Cường nói.

Tại khu vực Ba Vì, Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình cũng tăng gấp 2, 3 lần. Anh Nguyễn Phong, một khách hàng mua đất ở khu vực Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) hồi đầu Tết với giá 700.000 đồng một m2 đến nay đã có khách trả đến gần 2 triệu. "Hồi đầu năm tôi mua một sào mất hơn 200 triệu thế mà nay đã có người trả đến 720 triệu đồng. Giá đất sẽ còn lên nên tôi chưa có ý định bán", anh Phong cho biết.

Theo anh Tuấn Anh, nhân viên thuộc Công ty cổ phần bất động sản Hà Nội mới, thị trường bị tác động mạnh nhất kể từ khi có triển lãm quy hoạch “Mô hình đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”. Triển lãm công bố 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và trục Thăng Long bắt đầu từ đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì thuộc địa phận Hà Tây khiến khu vực này tăng giá đến chóng mặt.

Giám đốc Công ty cổ phần Bất Động Sản B.D.S Lê Xuân Trường cho biết, cơ sở hạ tầng đang được gấp rút hoàn thiện, tiềm năng của các dự án này ngày một hiện rõ đã khiến cho khu vực phía Tây càng hút khách. Cụ thể như đường Lê Văn Lương kéo dài đã hoàn thành được khoảng 70%, đường Lê Trọng Tấn đang chờ ngày thông xe. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng hiện nay đã bớt căng và có xu hướng giảm nữa trong thời gian tới khiến nguồn vốn cho thị trường bất động sản dồi dào hơn. Giá đất nền cùng lượng giao dịch ở nhiều khu vực tăng mạnh mẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia "lướt sóng" khiến đất các khu vực này lại càng tăng chóng mặt.

Cũng theo ông Trường, đất nền dự án sốt kéo theo đó là đất thổ cư cũng tăng gia theo. "Đất tăng nhanh là do tâm lý đón đầu trong đầu tư. Hiện nay rất nhiều người tin rằng, giá đất sẽ còn tiếp tục tăng trong vòng khoảng một năm tới nên đua nhau đi mua dẫn đến người bán cũng đua nhau tăng giá", ông Trường nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, chính tình hình kinh tế vĩ mô cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường địa ốc Hà Nội. Nghiên cứu của Ủy ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á- Thái Bình dương của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, một trong những khó khăn cấp bách nhất cho nền kinh tế Việt Nam là áp lực lạm phát ngày càng tăng, tổ chức này dự báo năm nay, lạm phát có thể lên tới 10,3%. Theo ông Phạm Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế kỷ, lạm phát càng tăng, đồng tiền càng mất giá càng khiến nhà đầu tư đổ xô vào mua bất động sản.

Ông Hưng bổ sung, giá vàng trong nước lên khiến bất động sản lên theo. Khi buôn bán bất động sản, nhiều nhà đầu tư có tâm lý quy ra vàng. Giá trị quy ra vàng không thay đổi nhưng theo tâm lý vàng lên khiến đất cũng lên theo. Cũng theo ông Hưng dự đoán, giá đất Hà Nội sẽ còn tăng đến hết tháng 10 năm nay bởi mốc Hà Nội đón chào 1.000 năm Thăng Long. "Hàng loạt dự án đang được gấp rút hoàn thành càng tạo ra nhiều sự lựa chọn cho các khách hàng hơn. Theo tâm lý, người mua cũng muốn mua nhà vào thời điểm này khiến thị trường bất động sản càng sôi động", ông Hưng nói.

Theo ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường, thị trường Hà Nội có chiều hướng sôi động trong tháng qua là do một bộ phận người dân Hà Nội có tiền nhàn rỗi đổ đi đầu tư bất động khi tình hình kinh tế vĩ mô dần ổn định. Tuy nhiên với sức tăng quá nóng như hiện nay, theo ông Võ, người mua cần phải hết sức thận trọng. Bởi thực tế, đất Hà Nội mới chỉ sốt cục bộ ở một số khu vực như phía Tây, Tây Hồ, Gia Lâm và chưa thực sự ổn định.

Với sức tăng mạnh như hiện nay, theo ông Võ, cũng không tránh khỏi yếu tố tăng ảo do nhiều nhà kinh doanh thổi giá lên. Người dân không nắm được thông tin đổ xô đi mua lại càng làm giá đất tăng bất thường. “Ngoài một bộ phận khách hàng có nhu cầu thực, cũng không tránh khỏi hiện tượng làm giá do nhiều nhà đầu tư lướt sóng, tìm cách làm khan hàng thổi giá lên cao quá mức bình thường như hiện nay”, ông Võ nhận định.
Hoàng Lan

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết thứ hai!

Đất nền Hà Nội tiếp tục bị thổi giá, giao dịch chững lại

Thứ sáu, 13/11/2009 17:33 GMT+7
Trong khi đất nền Hà Nội bị thổi cao đến chóng mặt vượt khả năng chi trả của nhiều người thì các căn hộ chung cư với diện tích vừa phải lại đang gây sức hút trên thị trường. 
Nhiều sàn giao dịch trên thị trường Hà Nội cho hay, sau đợt sốt đất nền ở một số khu vực phía Tây và quanh cầu Vĩnh Tuy tháng trước, lượng giao dịch đã chững lại. Trong khi đó, các căn hộ có diện tích từ 50-70 m2 lại được nhiều khách hàng quan tâm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàn, phụ trách kinh doanh sàn bất động sản Hà Nội Mới, chung cư đang rơi vào điểm nóng của thị trường. Đất nền dự án sau cơn sốt vừa qua đã chững lại. Một loạt các dự án gây sự chú ý của thị trường như Kim Trung, Di Trạch, Tân Tây Đô... giá bị đẩy lên quá cao đã khiến lượng giao dịch giảm sút. "Lượng khách hàng hỏi về đất nền dự án giảm từ 30-40%. Giá đất cao khiến nhiều khách hàng chùn tay, không dám đặt cọc tiền", ông Hoàn cho biết.

cuong-1-1348866196_480x0.jpg
Đứng ngồi không yên để chờ mua căn hộ Dương Nội. Ảnh: Hoàng Lan
Ông Nguyễn Thế Cường, đại diện Văn phòng tư vấn nhà đất Long Biên cũng khẳng định, mặc dù giá đất quanh cầu Vĩnh Tuy vẫn tiếp tục tăng đến chóng mặt nhưng lượng giao dịch quang khu vực này đã giảm 30-35%. 

Vẫn theo đà tăng từ tháng trước, giá đất nền tiếp tục bị đẩy cao chót vót. Tiêu biểu nhất phải kể đến đất nền dự án Tân Tây Đô nằm dọc tuyến đường quốc lộ 32, từ 16,6 triệu đồng giá gốc bị đẩy lên tới 20-25 triệu mỗi m2. Dự án Cienco 5 từ 3- 4,3 triệu lên tới 7,8 triệu. Đất nền dự án Kim Chung - Di Trạch cũng tăng 4-5 triệu mỗi m2.

Đặc biệt giá đất khu vực ven cầu mới xâu như Vĩnh Tuy, Nhật Tân gây sốc trên thị trường với mức tăng 40-45%. Đất chân cầu Vĩnh Tuy trong vòng 1 tháng đã từ mức 45 lên đến 60 triệu mỗi m2. Khu vực sau UBND phường Thạch Bàn, từ 18 triệu được chào bán với giá 40 triệu mỗi m2. Khu vực đường vào 2,5 m trước 14-15 triệu giờ đã lên 19- 20 triệu. Cá biệt đất quanh khu vực Bồ Đề phường Lâm Du có giá 80- 90 triệu mỗi m2. Đất nền giáp khu đô thị Việt Hưng, mạn cầu Nhật Tân ngõ 4-5 m giá cũng lên tới 30-35 triệu mỗi m2.

Ông Nguyễn Thế Cường cho hay, các khu vực ven cầu giá bị thổi lên quá cao, khiến nhiều khách hàng phải dạt sang vùng xa hơn để mua. "Khách hàng hỏi giá quanh khu vực ven cầu rồi bặt vô âm tín không quay lại. Nhiều người đã dạt ra xa mua quanh quanh khu vực lân cận như Phúc Lợi. Bởi khu vực này có giá mềm hơn khoảng 20-23 triệu mỗi m2 lại có trường học và chợ đầy đủ. Các đường nhỏ, ngõ 3,4 m giá hạ nhiệt hơn, khoảng 12-14 triệu mỗi m2", ông Cường nói.

Trong khi giao dịch đất nền chững lại, các căn hộ chung cư có diện tích vừa phải gây được sự quan tâm của nhiều khách hàng, đặc biệt là khu vực phía Tây. Tiêu biểu là tòa nhà CT4 Xa La có diện tích từ 52,3 m2 đến 69,5 m2 với giá gốc công ty bán ra 11,7 triệu. Tòa Hesco giá gốc 16,2, trên thị trường rao bán khoảng 19 triệu đồng. Khu chưng cư Hoàng Gia - Hà Đông được rao bán với giá khoảng 18-20 triệu mỗi m2. Đặc biệt phải kể đến cơn sốt căn hộ tại khu Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường hồi đầu tháng 11 vừa qua. Chỉ có 300 căn hộ được chào bán nhưng có tới 3.000 người đặt mua tới mức chủ đầu tư phải tổ chức bốc thăm. Ngoài ra các căn hộ ở khu Linh Đàm, Mỹ Đình cũng được nhiều người quan tâm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàn, các căn phòng có diện tích vừa phải, từ 53 đến 70 m2 ở vị trí không quá cao hay quá thấp như tầng 6-8-10 hướng Đông Nam thu hút được sự quan tâm của thị trường. Theo một số chuyên gia bất động sản, giá nhà đất tăng là một điểm tất yếu của thị trường khi nền kinh tế đang dần phục hồi và nhu cầu mua nhà vào thời điểm cuối năm ngày càng cao. Thêm vào đó, nguồn cung căn hộ khan hiếm do nhiều chủ đầu tư khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng càng làm phân khúc chung cư thêm nóng. Theo CBRE, tính riêng năm 2009, trong số 8.000 căn hộ được chào bán chỉ có khoảng 3000 căn được bàn giao.
"Giá chung cư cũng lên nhưng sức tăng không đến mức nóng như đất nền trong tháng trước nên người dân vẫn chấp nhận mua", ông Hoàn nói. Ngoài ra, cũng theo ông Hoàn, phải kể đến nhiều trường hợp chủ đầu tư rút khỏi phân khúc đất dự án để lướt sóng vàng trước sức tăng nóng của giá vàng trong thời gian qua.
Còn theo ông Đặng Văn Quang, Trưởng Phòng tư vấn chiến lược, Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam, tháng qua giá bất động sản tăng khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện dần không phải là một hiện tượng lạ. Nhưng trước sức tăng quá nóng của đất nền trong vòng 1 tháng qua khiến nhiều chủ đầu tư tự đặt ra kỳ vọng ảo. Họ trông chờ phân khúc này sẽ tiếp tục tăng, nên cố tình ghim hàng và tự thổi giá lên cao vượt quá khả năng chi trả của người dân dẫn đến giao dịch bị chững lại.
Trong khi đó, chung cư thu hút khách hàng vì có nhiều căn hộ có diện tích phù hợp, giá cả không quá cao. "Chỉ cần 1,2-1,7 tỷ, khách hàng có thể mua được căn hộ chung cư sau đó vào ở ngay. Còn đất nền, người mua lại phải mất công xây đựng nhà ở", ông Quang nhận định.
Cũng theo ông Quang, thị trường vàng, đôla, nhà đất có mối liên thông mật thiết. Giá vàng và đôla tăng nóng đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn thị trường nhà đất. Còn tâm lý khách hàng thấy vàng lên, đồng tiền bị mất giá đã dừng giao dịch chờ thị trường bình ổn. "Khách hàng thường nhẩm tính quy đổi ra vàng và đôla khi giao dịch bất động sản. Giá vàng tăng khiến nhiều người cảm thấy mình đang thiệt đơn thiệt kép khi quy đổi ra vàng hoặc đôla. Điều này khiến không ít người chùn tay", ông Quang nhận định.
Hoàng Lan

 

Văn phòng Tư vấn Nhà đất Long Biên trên Vnexpress - Bài viết đầu tiên!


Sau 4 ngày thông xe, nhiều khu đất ven cầu rộng nhất nước - Vĩnh Tuy (Hà Nội) - chào giá tới 40-45 triệu đồng mỗi m2. Quanh cây cầu mới khởi công Nhật Tân, giá đất cũng tăng chóng mặt.


Ông Nguyễn Thế Cường, đại diện Văn phòng tư vấn nhà đất Long Biên, cho biết, trong những ngày cuối tháng 9, văn phòng ông tiếp nhận không dưới 10 yêu cầu của khách hàng. "Nhu cầu đặc biệt cao đối với những nhà đất có giá trên dưới 1 tỷ đồng, diện tích khoảng 35- 40 m2. Đặc biệt trong gần một tuần gần đây, khi cầu được thông xe, lượng giao dịch thành công tăng gấp 3 lần", ông Cường chia sẻ. Trước đây, khu này vẫn coi là "khô cằn sỏi đá", ít người mua.
Ảnh: Nhật Minh
Lượng giao dịch nhà đất khu vực Long Biên tăng gấp 3 lần trước khi cầu động thổ. Ảnh: Nhật Minh
Khảo sát xung quanh khu vực cầu Vĩnh Tuy cho thấy, giá nhà đất khu đô thị mới Việt Hưng cũng lên chóng mặt. Đầu năm 2009, đất khu này chỉ khoảng 9-10,5 triệu mỗi m2 thì nay đã vọt lên 13-17 triệu. Khu liền kề, nhà vườn có giá lần lượt từ 25 đến 33 triệu mỗi m2. Giá đất lên cao kỷ lục thuộc về các lô đất ở khu tái định cư Sài Đồng, nơi mỗi mét vuông đất có thể trị giá từ 40 đến 45 triệu đồng nhờ có mặt đường rộng 42 m2. Trong khi đó, những lô nằm ở khu công nghiệp Sài Đồng chỉ được định giá từ 22 đến 25 triệu.
Anh Mai Khang, một nhà đầu tư cho biết, "một chủ đầu tư mua lô đất với giá 21 triệu đồng mỗi m2 cách đây hơn nửa tháng hiện được rao giá tới 27 triệu. Giá đất càng lên, nhu cầu lại có nhiều, không ít chủ đầu tư đã găm hàng, giữ giá khiến hàng càng khan hiếm", anh Khang cho hay.
Ảnh: Nhật Minh
Khu liền kề Sài Đồng cũng được nhiều người hỏi mua. Ảnh: Nhật Minh.
Giới đầu tư bất động sản cho hay, sở dĩ có sự chênh lệch lớn về giá như vậy là do hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực này chưa được đồng đều. Ngoài ra, càng gần mặt đường lớn, giá đất càng tăng. Khu tái định cư có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đường đã thông thoáng nên được nhiều người lựa chọn.
Không kém phần sôi động so với khu vực cầu Vĩnh Tuy, đất ven cầu Nhật Tân cũng "nóng" lên từng ngày. Tại xã Vĩnh Ngọc quanh cầu Nhật Tân (huyện Đông Anh - Hà Nội), với mức đầu tư dự định cho cầu từ 7.500 tỷ đến 8.100 tỷ đồng dù mới khởi công đầu tháng 3 nhưng giá đất thổ cư quanh đây cũng tăng đáng kể. Trước đây, thông tin quy hoạch thành phố ven sông Hồng làm đất khu vực này giảm mạnh. Tuy nhiên, gần đây, UBND TP Hà Nội đã dừng quy hoạch chi tiết thành phố ven sông Hồng làm đất khu vực này lại nóng lên trông thấy.
Theo ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Tập đoàn bất động sản Phú Thái, nhìn chung, giá đất thổ cư tăng trung bình khoảng 20% so với đầu năm. Nhà đất mặt đường 7-9 m, nếu như trước kia giá 12-14 triệu thì nay đã lên tới 14,5-16,8 triệu mỗi m2. Kể từ khi cầu Nhật Tân được khởi công, nhu cầu người mua tăng hơn 50%.
Ông Đặng Văn Quang, Trưởng Phòng tư vấn chiến lược, Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam cho rằng, chính cơ sở hạ tầng dần dần đi vào hoàn thiện là động lực cơ bản kéo giá đất đi lên. Ngoài ra, giá đất ven cầu nóng lên còn do tâm lý của người mua. Khách hàng tin tưởng rằng cùng với sự hoàn thiện về cơ hạ tầng, giá đất sẽ tiếp tục được đẩy lên cao.